Để mang lại cho chủ doanh nghiệp và người lao động những lợi ích thiết thực, đảm bảo an toàn lao động thì việc thiết kế và bố trí mặt bằng công trường là một việc quan trọng không thể thiếu.
Tại sao phải thiết kế và bố trí mặt bằng công trường
Một công trình đảm bảo về mặt thẩm mỹ, an toàn và tiện dụng là kết quả lao động của hàng trăm người và những yếu tố khách quan - chủ quan. Trong đó, bố cục mặt bằng là yếu tố quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của công trình. Việc thiết kế và bố trí mặt bằng công trường sẽ mang lại những lợi ích sau đây:
Thuận lợi cho các hoạt động xây dựng, quản lý, trùng tu, sửa chữa, bảo trì
Việc đi lại của người lao động và giám sát thuận lợi, dễ dàng
Nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị không bị để lẫn lộn vào nhau, tạo nên hiệu quả sử dụng cao, tiết kiệm thời gian
Tạo được thói quen, nề nếp gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp cho đội ngũ người lao động
Giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động
Nếu không chú trọng vào thiết kế và bố trí mặt bằng công trường, an toàn lao động và sức khỏe của người lao động sẽ không được đảm bảo, dẫn đến việc chất lượng và năng suất làm việc thấp - điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng không mong muốn.
Các cơ sở thiết kế và bố trí mặt bằng công trường
Công trình xây dựng có nhiều loại tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung việc thiết kế và bố trí mặt bằng công trường hầu hết là dựa trên các cơ sở sau:
Tính chất và nhu cầu sử dụng của công trình
Trình tự xây dựng của công trình
Diện tích, thể tích, chiều cao của các không gian
Yêu cầu phân cấp sử dụng của công trình
Hình dạng, kích thước, hướng của khu đất xây dựng và các cơ sở hạ tầng khác gần đó; đường giao thông, các hệ thống kỹ thuật đô thị ; điện, nước, dây cáp điện thoại, dây mạng Internet
Các quy định về vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh lao động
Phong tục tập quán của dân tộc, của địa phương nơi công trình xây dựng
Nguyên tắc thiết kế và bố trí mặt bằng công trường
Trước khi tiến hành xây dựng, doanh nghiệp cần xem xét kỹ các vấn đề sau:
Các lối đi lại phải quang đãng, không có chướng ngại vật. Đối với những khu vực có yếu tố gây nguy hiểm như giàn dáo, máy nâng vật liệu, gạch đá hay hố sâu, ổ gà,... nên có những thông báo, chỉ dẫn phù hợp, dễ thấy. Các lối vào và ra cho các phương tiện cấp cứu phải đủ rộng và thoáng đãng.
Bố trí rào chắn tại các nơi như lan can, cầu thang và tại những nơi có độ cao 2 mét trở lên.
Chỗ để vật liệu càng gần nơi sản xuất tương ứng càng tốt. Ví dụ: cát và sỏi để gần nơi trộn xi măng, cốp pha để gần xưởng lắp ráp,....
Bố trí thiết bị, máy móc sao cho đảm bảo an toàn cho người lao động và gần với khu vực cần dùng.
Văn phòng làm việc, công xưởng của quản lý, giám sát và người lao động nên đặt ở đầu hướng gió chủ đạo. Các kho chứa vật liệu, máy móc, xưởng gia công phụ trợ và khu vệ sinh nên đặt ở cuối hướng gió và thoát nước tốt.
Công trường phải luôn đảm bảo có đầy đủ ánh sáng, đèn chiếu sáng khi làm việc trong trời tối.
Trạm biến điện phải có rào ngăn và biển báo. Cầu dao điện, cầu chì hoặc thiết bị đóng cắt điện phải có hộp, khóa và được đặt ở nơi khô ráo. Đường dây điện phải được treo cách mặt đường đi lại ít nhất là 5m. Điện động lực và điện sinh hoạt phải tách thành hai hệ thống riêng.
Hệ thống giàn dáo phải có hệ thống thu sét.
Bố trí các thiết bị chữa cháy tại công trường theo đúng quy định về an toàn lao động.
Các công trường cần chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe tiện nghi cho cả người lao động nam và nữ.
Cần mở các lớp tập huấn cho cả người lao động và cả giám sát cùng những bộ phận khác có liên quan.
Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm!
Tác giả bài viết: Huỳnh Nhất Linh
Ý kiến bạn đọc
Huỳnh Nhất Linh
Huỳnh Nhất Linh – Nhà đào tạo, người truyền cảm hứng cho Kỹ sư Xây dựng. Huỳnh Nhất Linh 17 năm kinh nghiệm hoạt động xây dựng, đào tạo và tư vấn.